TIN TỨC - SỰ KIỆN
Với 20 sở, ngành; 30 quận, huyện, thị xã; 579 xã, phường, thị trấn, Hà Nội có hệ thống cơ quan, đơn vị hành chính đồ sộ. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp, từ năm 2021, chuyển đổi số được Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan của thành phố đặc biệt quan tâm triển khai. Trong đó, ứng dụng Công dân Thủ đô số - iHanoi - được coi là sản phẩm tiên phong trong chuyển đổi số của Hà Nội.
Điểm nhấn iHanoi
Chị Nguyễn Vân Nga (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) cho biết, đoạn vỉa hè phố Nguyễn Cơ Thạch nơi chị ở có nhiều nắp bể cáp bị sập vỡ. Chị từng phản ánh việc này đến một cơ quan báo chí của Hà Nội, nhưng sự việc chưa được giải quyết. Sau khi biết ứng dụng iHanoi, ngày 7-8, chị gửi phản ánh kèm hình ảnh ở mục “Phản ánh hiện trường” và được biết thông tin đã chuyển đến Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Nam Từ Liêm để xử lý, kèm theo số điện thoại của cán bộ phụ trách.
“Đến ngày 5-9, nắp bể cáp hư hỏng đã được khắc phục. Cư dân rất phấn khởi vì thành phố lắng nghe, phản hồi và giải quyết ý kiến của người dân triệt để” - chị Nga kể.
Có thể nói, chức năng “Phản ánh hiện trường” trên iHanoi là kênh tương tác hiệu quả giữa người dân và chính quyền. Từ khi vận hành, người dân sử dụng ứng dụng này để phản ánh về tình trạng ngập úng, cây xanh bị gãy đổ, tình hình an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, ùn tắc giao thông... Hầu hết phản ánh trên ứng dụng được các cấp, ngành xử lý tích cực.
Đáng chú ý, trước khi bão số 3 đổ bộ vào Hà Nội, thành phố đã kịp thời cập nhật diễn biến bão trên iHanoi. Sau bão, tiện ích “Truyền thông, cảnh báo” trên iHanoi tiếp tục cập nhật thông tin về khắc phục hậu quả, cảnh báo lũ trên các sông, biện pháp bảo đảm nước sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, phương án điều chỉnh tổ chức giao thông do ảnh hưởng của mưa, lũ...
Có thể nói, ngay sau khi được UBND thành phố Hà Nội ra mắt ngày 28-6-2024, iHanoi đã nhanh chóng trở thành kênh kết nối số nhanh và thuận tiện giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp. Đến nay, qua iHanoi, hơn 70% phản ánh của người dân được các cấp chính quyền xử lý, khiến đa số người dân bày tỏ sự hài lòng. Cùng với đó, qua iHanoi, người dân, doanh nghiệp đề xuất sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản trị của chính quyền Thủ đô. iHanoi được coi là bước đột phá trong chuyển đổi số của Hà Nội, giúp chính quyền lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân một cách nhanh nhất, và nhanh chóng phản hồi thông tin tới người dân. Cũng qua iHanoi, chính quyền cung cấp thông tin hữu ích đến người dân một cách hiệu quả.
Đây được xem như là bước tiên phong chuyển đổi số khi không chỉ là điểm truy cập thuận tiện vào các dịch vụ của thành phố, mà còn có thể phát triển thành nền tảng ứng dụng (application platform) cho các ứng dụng, dịch vụ tích hợp và khai thác chung. Từ đó, iHanoi cung cấp được nhiều tiện ích hơn cho người dân, mở ra các hướng khai thác về dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội... Ông Nguyễn Huy, Tổng Giám đốc Startup Phygital Labs (cung cấp công nghệ vật lý số) cho rằng, việc ra mắt ứng dụng iHanoi đánh dấu bước tiên phong của Hà Nội trong tiến trình chuyển đổi số mà người dân đóng vai trò trung tâm, để từ đây tạo phong cách làm việc mới, xây dựng thành phố xanh, thông minh, hiện đại.
Và những điểm sáng chuyển đổi số ấn tượng
Ngoài iHanoi, nhắc đến kết quả chuyển đổi số của thành phố Hà Nội, không thể không nhắc đến nỗ lực thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt. Cuối tháng 9-2023, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm và các ngân hàng triển khai tuyến phố không dùng tiền mặt, trong đó có không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm. Việc khai trương tuyến phố không dùng tiền mặt tại quận Hoàn Kiếm, một quận trung tâm có rất nhiều hộ kinh doanh, đã tạo nên hiệu ứng mạnh, đem lại nhiều giá trị cho người dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, chính quyền các địa phương đã phối hợp với các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp công nghệ triển khai mô hình “chợ thông minh 4.0” tại chợ Đồng Xa (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy), chợ Thái Hà (phường Trung Liệt, quận Đống Đa), chợ Mơ (xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì), chợ Quảng Oai (thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì), chợ Thượng Thanh (quận Long Biên)...
Cũng liên quan đến thanh toán không tiền mặt, Hà Nội đã có 64 điểm đỗ xe thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt, đạt tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt 98% đối với ô tô và 87% với xe máy.
Việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cũng được triển khai ở nhiều lĩnh vực khác, như giáo dục, y tế... được người dân hưởng ứng.
Với các cơ quan quản lý nhà nước, năm 2022, lần đầu tiên lãnh đạo thành phố đã ký số hoàn toàn trên Hệ thống phần mềm dùng chung quản lý văn bản và điều hành. Đến nay, 100% cơ quan nhà nước thành phố đã triển khai ký số văn bản trên hệ thống...
Đặc biệt, để hỗ trợ tối đa người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước đã ban hành nghị quyết miễn phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến.
Thành phố cũng đã cơ bản hoàn thành việc thí điểm Hồ sơ sức khỏe điện tử; tạo được dữ liệu của gần 10 triệu người dân với trên 16,6 triệu lượt khám qua phần mềm hồ sơ sức khỏe thành phố; đồng bộ 3,5 triệu hồ sơ người dân với 48/48 trường thông tin theo quy định của Bộ Y tế lên hệ thống của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, sẵn sàng kết nối hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử VNeID của Bộ Công an. Hà Nội là một trong 2 địa phương đầu tiên cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên VNeID...
Kết quả đạt được là rất ấn tượng, song, theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, chuyển đổi số của thành phố vẫn còn những “điểm nghẽn”. Đó là nhân lực về công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các đơn vị, nhất là ở xã, huyện còn thiếu; thu nhập của nhân lực công nghệ thông tin hạn chế so với khối tư nhân, nên khó thu hút người có trình độ vào làm việc.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, từ việc nhận diện “điểm nghẽn”, Hà Nội sẽ tập trung rà soát việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hỗ trợ các dịch vụ công... Thành phố cũng xây dựng và hình thành hệ thống cơ quan hành chính phục vụ công dân hiện đại, chuyên nghiệp.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Trung tâm Đô thị thông minh (Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel) Nguyễn Văn Dũng đề xuất: Hà Nội nên tiếp cận chuyển đổi số theo cả 2 hướng. Một mặt tập trung xây dựng kiến trúc, quy hoạch và các nền tảng cho chuyển đổi số và thành phố thông minh, như nền tảng khai phá dữ liệu, trung tâm dữ liệu, nền tảng giám sát an toàn thông tin. Mặt khác, xác định các vấn đề lớn trong lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông... để chuyển đổi số.
Chuyển đổi số là một quá trình không đơn giản và với Hà Nội - đô thị đặc biệt với quy mô dân số lớn và địa bàn rộng, khó có thể đạt kết quả toàn diện ngay lập tức. Song, với quyết tâm của lãnh đạo thành phố, các cấp chính quyền và sự đồng lòng của người dân, Hà Nội chắc chắn sẽ tiếp tục có những chuyển biến tích cực, bền vững trong chuyển đổi số.