CÔNG TÁC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ BẦU CỬ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026 CÔNG TÁC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ BẦU CỬ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026

Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngày Tổng tuyển cử đầu tiên
Publish date 23/05/2021 | 09:19  | Lượt xem: 302

Chủ tịch Hồ Chí Minh là đại biểu Quốc hội của Thủ đô Hà Nội liên tục từ khóa I đến khóa III - từ năm 1946 đến khi Người về cõi vĩnh hằng. Bác cũng đã tham gia các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp ở Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, lần Tổng tuyển cử đầu tiên (6-1-1946) khi nước nhà giành độc lập chưa lâu đã để lại những kỷ niệm vô cùng sâu sắc.

“Làm việc bây giờ là hy sinh, là phấn đấu quên lợi ích riêng mà nghĩ lợi ích chung. Những ai muốn làm quan cách mạng
thì nhất định không bầu…” (Chủ tịch Hồ Chí Minh nói trước 2 vạn cử tri Hà Nội ngày 5-1-1946, Hồ Chí Minh toàn tập,
NXB CTQG. H.2000, tập 4, trang 147).

Sáng 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, xác định những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước ta, trong đó có việc sớm tổ chức Tổng tuyển cử.

Để thực thi công việc Tổng tuyển cử hệ trọng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành một loạt sắc lệnh, trong đó có Sắc lệnh số 76 ngày 18-12-1945 hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày 6-1-1946.

Được tin Chính phủ tổ chức Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội lập hiến, bầu ra bộ máy lãnh đạo đất nước, ngày 11-12-1945, nhân dân ngoại thành họp và gửi bản kiến nghị lên Chính phủ với nội dung: “Yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh được miễn phải ra ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới vì Cụ đã được toàn dân suy tôn làm Chủ tịch vĩnh viễn của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”.

Xúc động trước tình cảm quý mến và nguyện vọng của đồng bào, ngày 15-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư đến đồng bào ngoại thành Hà Nội. Người viết: “Cùng toàn thể đồng bào nam, phụ, lão, ấu khu vực ngoại thành Hà Nội. Tôi rất cảm động thấy toàn thể đồng bào ngoại thành đã có lòng quá yêu tôi mà quyết nghị tôi không phải ứng cử trong kỳ Tổng tuyển cử sắp tới. Nhưng tôi là một công dân nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa nên không thể vượt qua thể lệ Tổng tuyển cử đã định. Tôi đã ứng cử ở thành phố Hà Nội, nên cũng không thể ra ứng cử ở nơi nào khác nữa. Tôi xin thành thực cảm tạ toàn thể đồng bào nam, phụ, lão, ấu khu vực ngoại thành Hà Nội”.

Ngày 3-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp của Chính phủ, kiểm tra lần cuối những công việc của cuộc Tổng tuyển cử. Ngày 5-1-1946, Người ra Lời kêu gọi quốc dân thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ công dân của mình và nhấn mạnh: “Ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình... Ngày mai, dân ta sẽ được tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình và gánh vác việc nước...”. Đồng thời, Người nêu rõ cử tri cần sử dụng đúng đắn trách nhiệm, quyền bầu cử để lựa chọn các đại biểu vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất trên tinh thần “những ai muốn làm quan cách mạng thì không nên bầu”.

Sáng 6-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I tại phòng bỏ phiếu số 10, phố Hàng Vôi. Sau đó, Người đến thăm một số phòng bỏ phiếu ở các phố Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Trống, Thụy Khê, làng Hồ Khẩu và Ô Đông Mác. Trưa, Người đến thăm các cháu thiếu nhi đang đi cổ động Tổng tuyển cử ở phố Lò Đúc. 

Buổi chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Ban Âm nhạc Vệ quốc quân: “Thân gửi Ban Âm nhạc Vệ quốc quân. Hôm nay, 6-1, ngày Tổng tuyển cử, anh em đã nô nức đi cổ động khắp Thủ đô từ sáng đến chiều, làm cho ngày Tổng tuyển cử được tưng bừng vui vẻ và kết quả. Bác thay mặt ứng cử viên của Thủ đô Hà Nội cảm ơn và khen ngợi anh em”.

Bác Hồ đã tham gia ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của Thủ đô Hà Nội như thế đó. Không khí ngày bầu cử 6-1-1946 vô cùng sôi động, náo nhiệt. Có những cụ già 70, 80 tuổi được con cháu cõng đi bỏ phiếu. Nhiều người khiếm thị nhờ người nhà dẫn đến hòm phiếu để tự tay làm nhiệm vụ công dân. Kết quả có 172.765 trong số 187.880 (bằng 91,95%) cử tri của 74 khu phố nội thành và 118 làng ngoại thành Hà Nội đã đi bỏ phiếu. Hà Nội có 74 ứng cử viên, cử tri đã lựa chọn bầu được 6 đại biểu Quốc hội. Người trúng cử có số phiếu thấp nhất là 52,5%. Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất với 169.222 phiếu (98,4%).

16h ngày 12-1-1946, Thành bộ Việt Minh Hà Nội huy động 5 vạn dân mít tinh tại Việt Nam học xá, mừng thắng lợi của Tổng tuyển cử. Thay mặt các đại biểu đã trúng cử Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm ơn và biểu dương nhân dân Hà Nội và cả nước, trong hoàn cảnh khó khăn phức tạp đã làm tròn nhiệm vụ của người công dân yêu nước.

Hơn 75 năm đã qua từ ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, hình ảnh của Bác Hồ kính yêu vẫn như bên chúng ta. Những lời căn dặn thân thương, trìu mến của Người động viên, thôi thúc mỗi cử tri Hà Nội hôm nay, ngày 23-5-2021, thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra trên khắp Thủ đô và cả nước...