CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Hà Nội: Ban hành Chỉ số Cải cách hành chính đối với các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố
Ngày đăng 31/10/2024 | 08:32  | Lượt xem: 30

Ngày 30-10, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 5691/QĐ-UBND Ban hành Chỉ số Cải cách hành chính đối với các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Quyết định nêu rõ: Xác định Chỉ số CCHC để theo dõi, đánh giá chính xác, thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện cải cách hành chính (CCHC) hằng năm của cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình của Thành ủy, Nghị quyết của HĐND thành phố và Kế hoạch CCHC của UBND thành phố; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện công tác CCHC của các cơ quan, đơn vị.

Thông qua kết quả Chỉ số CCHC hằng năm, các cơ quan, đơn vị xác định rõ mặt mạnh, mặt yếu trong thực hiện CCHC để có những điều chỉnh cần thiết về mục tiêu, nội dung và các giải pháp trong triển khai CCHC hằng năm, góp phần nâng cao hiệu quả CCHC, phục vụ người dân, tổ chức và xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả.

Đồng thời, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan, đơn vị đối với người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, tạo môi trường hành chính, môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch; góp phần nâng cao Chỉ số CCHC cấp tỉnh (PAR INDEX), Chỉ số Hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của thành phố.

Việc theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện công tác CCHC 2 kỳ một năm (kỳ 6 tháng và kỳ năm) của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố.

Năm 2024: Áp dụng thí điểm đối với 4 cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố, gồm: Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, Cục Thuế thành phố Hà Nội, Cục Hải quan thành phố Hà Nội, Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội.

Từ năm 2025: Nghiên cứu, mở rộng đối với các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố khác, gồm: Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội, Cục Thống kê thành phố Hà Nội, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Hà Nội.

Chỉ số CCHC của cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố được xác định đối với từng cơ quan, đơn vị và trên 3 nhóm nội dung. Nhóm 1: Tiêu chí, tiêu chí thành phần; nhóm 2: Điểm thưởng trong công tác CCHC; nhóm 3: Điều tra xã hội học.

Thang điểm đánh giá là 100. Trong đó, điểm đánh giá qua thẩm định: Tối đa là 50 điểm; điểm đánh giá qua điều tra xã hội học: 50 điểm.

Phương pháp đánh giá: Kết hợp giữa tự đánh giá của cơ quan, đơn vị, đánh giá của Hội đồng thẩm định (đánh giá bên trong) và đánh giá qua điều tra xã hội học (đánh giá bên ngoài).

Quy trình xác định Chỉ số CCHC gồm 6 bước, trong đó, định kỳ trước ngày 31-7 hằng năm (đối với kỳ 6 tháng) và trước ngày 30-11 hằng năm (đối với kỳ năm), căn cứ vào nội dung, tiêu chí, tiêu chí thành phần của Chỉ số CCHC quy định tại Quyết định này, hướng dẫn của Sở Nội vụ và kết quả triển khai thực hiện CCHC, các cơ quan, đơn vị tự đánh giá, chấm điểm trên từng tiêu chí, tiêu chí thành phần của Chỉ số CCHC tại đơn vị. Báo cáo tự đánh giá, chấm điểm của các cơ quan, đơn vị phải thể hiện đầy đủ số điểm thực tế của từng tiêu chí, tiêu chí thành phần, tổng điểm đạt được; đồng thời cung cấp đầy đủ các tài liệu kiểm chứng chứng minh cho kết quả đạt được theo đúng yêu cầu…

UBND thành phố giao Sở Nội vụ chủ trì tham mưu cho UBND thành phố theo dõi, phân công theo dõi việc triển khai thực hiện công tác CCHC của các cơ quan, đơn vị để làm căn cứ xác định chỉ số CCHC hằng năm; chủ trì, phối hợp với cơ quan theo dõi, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tự đánh giá, chấm điểm thực hiện công tác CCHC theo các nội dung của Chỉ số CCHC do UBND thành phố ban hành.